Bão Trà Mi có thể gây mưa rất lớn cho miền Trung

13/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự
Bão Trà Mi có thể gây mưa rất lớn cho miền Trung

Chiều 25/10, tại cuộc họp với bộ ngành và địa phương ven biển từ Quảng Ninh tới Bình Thuận về phòng chống bão Trà Mi, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết có hai kịch bản di chuyển của bão.

Kịch bản thứ nhất xác suất 60-70%, bão vào gần bờ hoặc chạm bờ Trung Trung Bộ rồi quay ngược ra biển. Vùng ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi sẽ có gió cấp 6-8, giật cấp 10.

Kịch bản thứ hai xác suất 30%, bão đi sâu hơn vào đất liền Trung Trung Bộ rồi ngược trở ra. Vùng ven biển Quảng Trị - Quảng Ngãi sẽ có gió cấp 7-9, giật cấp 11-12, tức sức gió mạnh hơn một cấp so với kịch bản thứ nhất.

Ông Mai Văn Khiêm nhận định về hướng đi bão Trà Mi. Ảnh: Gia Chính

Theo ông Khiêm, bão đi dị thường do chịu tác động của không khí lạnh và sự hình thành của cơn bão mới ngoài khơi Philippines. "Từ nay đến sáng mai, do tác động của cơn bão ngoài khơi Phipippines, hướng đi và vùng ảnh hưởng của bão Trà Mi sẽ tiếp tục thay đổi", ông Khiêm nói.

Dù theo kịch bản nào tác động của bão đến miền Trung vẫn rất lớn, đặc biệt là mưa. Lý do là bão đi vòng và quay ngược ra biển dẫn tới thời gian tác động trên đất liền có thể kéo dài hơn một ngày. Hoàn lưu bão rất rộng, tính từ thành mắt bão ra ngoài khoảng 500-600 km, vùng gió mạnh trên cấp 8 bán kính 250 km. Vì thế tâm bão còn cách xa bờ, nhưng từ chiều mai bắt đầu gây mưa ở miền Trung.

Dự báo mưa kéo dài đến 28/10, lượng mưa khu vực Quảng Trị - Quảng Ngãi 300-500 mm, tâm mưa trên 700 mm, nguy cơ mưa cường suất lớn trong 3 giờ trên 100 mm. Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Tây Nguyên mưa 100-200 mm, có nơi trên 300 mm. Các sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc có thể xuất hiện lũ ở báo động hai, ba (cao nhất là báo động ba).

Dự báo hướng đi và vùng ảnh hưởng bão Trà Mi. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đến chiều nay đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 67.000 phương tiện với hơn 307.000 người biết hướng đi của bão. Hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho tàu thuyền vào khu neo đậu và không cho ra khơi từ 25/10; Quảng Nam cấm biển từ 10h ngày 25/10; Quảng Ngãi cấm từ 10h ngày 26/10 và dự kiến hoàn thành việc sơ tán người dân trên đảo Lý Sơn trước 22h ngày 26/10. Quảng Bình sẽ cấm biển từ 0h ngày 27/10;

Vì bão sẽ thay đổi hướng, đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cứu hộ - cứu nạn, đề nghị các địa phương và đơn vị biên phòng cần thông tin để người dân biết, tránh tâm lý chủ quan như bão Chanchu khi thấy bão vào đã cho thuyền ra biển dẫn tới chìm, đắm.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá với lượng mưa lớn như dự báo thì không loại trừ khả năng miền Trung xảy ra ngập lụt như năm 2020. Các đô thị từng ngập lụt cần lên phương án kê đồ, di chuyển tài sản giá trị lên cao.

"Các tỉnh ven biển cần đặc biệt lưu ý sạt lở bờ ven biển do thời gian lưu sóng rất lâu, sóng 45-50 độ chếch vào bờ, khả năng cao sẽ xảy ra sạt lở bờ biển", ông Hiệp nói và đề nghị các tỉnh cần nghiên cứu cấm biển dài hơn bình thường.

Đối với nguy cơ sạt lở, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương mở rộng rà soát bằng flycam để không chỉ kiểm tra các vết nứt mà cả những vị trí có cộng đồng dân cư sống ven sông, ven suối. Các địa phương cần kích hoạt hệ thống cộng đồng quản lý phòng chống thiên tai để những nơi này chủ động chuẩn bị sắp xếp nhà cửa, lương thực cho nhau.

Trà Mi hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở ngoài khơi phía đông Philippines, ngày 22/10 mạnh lên thành bão, ngày 23/10 hoành hành ở Philippines làm ít nhất 66 người chết, 47.500 người phải sơ tán do mưa lớn, ngập lụt. Chiều 24/10, bão vào Biển Đông, mạnh cấp 9, trở thành cơn bão thứ sáu trên vùng biển này.

Gia Chính

Tin liên quan
Tin Nổi bật