Chiều muộn 11/9, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm vụ kiện tranh chấp thừa kế giữa 4 anh em ông bà Xuân, Hạ, Thu, Đông, đều trú quận Long Biên. Tài sản tranh chấp là 4 thửa đất liền nhau, tổng diện tích hơn 650 m2 do cha mẹ để lại.
Ông Xuân, 71 tuổi là con cả, được cha mẹ nhận nuôi, cũng là bị đơn. Nguyên đơn là hai em gái út, bà Thu và Đông.
Cha qua đời năm 1992, không di chúc nhưng khi còn sống nói chia mỗi con một thửa. Năm 1995, hai con trai làm nhà trên thửa đất 1 và 2, như được cha chia, cũng là hai thửa diện tích lớn nhất. Thửa 3 và 4, cả gia đình sử dụng trồng cây, thuế do hai anh trai đóng.
Năm 2006, ông Xuân đề nghị hai em gái ký giấy cho ông xin cấp sổ đỏ với thửa đất 1, hứa trả lại cho hai thửa đất vườn. Năm 2014, do ông Hạ đã mất, vợ ông là bà Sen cũng đề nghị hai em chồng ký giấy để làm sổ đỏ với thửa đất số 2.
Bà Sen thực hiện cam kết, trả lại 75 m2 cho bà Thu nhưng ông Xuân thì không, đó là lý do xảy ra tranh chấp khởi kiện.
Nguyên đơn Thu cũng phát hiện năm 2016, anh cả còn được cấp sổ đỏ và đứng tên cả thửa đất số 3, diện tích 138,5 m mà bà cho rằng cha mẹ đã hứa cho mình. Mẹ của họ do không biết chữ nên không ký giấy, cũng không điểm chỉ cho ai để cấp sổ đỏ. Do đó, theo bà, có sự ngụy tạo giấy tờ, chữ ký để chiếm tài sản thừa kế.
Trước việc "người hai mảnh đất người không mảnh nào", bà Thu khởi kiện, đề nghị hủy cả 3 sổ đỏ đã cấp cho anh cả và chị dâu và phân chia lại tài sản thừa kế lại từ đầu.
Người mẹ khi còn sống đã khai không biết chữ, không ký, cũng không cùng con trai cả lên UBND xã để làm cam kết cho ông này đất. Cụ không muốn khởi kiện con, song nếu tòa chia, bà chỉ nhất trí chia cho Thu và Đông một phần đất thửa 3 và 4.
Cấp sơ thẩm đánh giá thửa đất 1 và 2 đã được cho hai con trai và làm nhà, là phần thừa kế hợp pháp họ đã được chia, do đó không có căn cứ để hủy 2 sổ đỏ đứng tên họ để "chia lại từ đầu" như bà Thu yêu cầu.
Song riêng 2 thửa đất còn lại, tòa sơ thẩm xác định vẫn là di sản thừa kế chưa chia, cần chia theo luật. Bởi bản cam kết chia đất cho con trưởng, có chữ ký của cụ bà, không thể coi là hợp đồng cho tặng hợp pháp.
Không hài lòng với phán quyết, cả nguyên đơn và bị đơn cùng kháng cáo.
HĐXX: Khi đất lên giá, ai cũng cho rằng mình nhiều công sức hơn
Trình bày kháng cáo tại tòa, bà Thu đề nghị sửa án sơ thẩm theo hướng hủy hết các sổ đỏ đã được cấp cho anh cả và chị dâu thứ, để chia cả 4 thửa đất lại từ đầu. Bà khẳng định cha mẹ luôn nói "có 4 thửa đất, cho mỗi con một mảnh". Cùng là lời hứa tặng cho bằng miệng nhưng hai anh trai được công nhận còn bà và em gái út không được công nhận, theo bà là không công bằng.
Ông Xuân vắng mặt tại tòa, có vợ và con trai, con gái trình bày thay. Họ cho rằng thửa đất thứ 3 thực tế không phải di sản của cha mẹ mà là đất ao hồ, bờ bụi họ được doanh nghiệp gần đó phân cho.
"Ba cái ao sâu mấy mét, hàng chục năm qua, cả gia đình tôi phải tranh thủ từng giấc ngủ trưa vất vả gánh từng thúng đất để lấp ao, bỏ tiền bỏ sức tôn tạo, xây dựng và ở đó, trồng trọt canh tác làm tăng giá trị của mảnh đất lên. Các cô ấy không đóng góp giờ về đòi đất là không được", vợ ông Xuân nói.
Bị đơn dẫn chứng biên bản định giá của cấp sơ thẩm, giá phần đất vườn trong thửa này chỉ 1,26 triệu đồng/m2, trong khi giá phần đất ở lên tới 42 triệu đồng. Phần chênh lệch giá 2 loại đất, cao gấp 33 lần, là công sức gia đình họ tạo ra, chứ không phải toàn bộ đều thừa kế.
Ngoài ra, theo vợ ông Xuân, khi nhà nước cắt đất thuộc thửa này để làm đường, gia đình không được đền bù vì đất được cho là không rõ nguồn gốc. "Vậy thì căn cứ đâu để nói đó là đất của bố mẹ tôi?", vợ ông Xuân trình bày.
Khi HĐXX hỏi có căn cứ gì về việc đã bỏ công sức để tôn tạo đất, giờ muốn tính công sức thì muốn tính bao nhiêu tiền, bà không đưa ra con số.
"Lúc nói là đất của bố mẹ và đã chia cho mình, lúc thì nói đất đó không rõ nguồn gốc, không phải của bố mẹ, vậy giờ bị đơn rốt cuộc muốn thế nào? Công sức ai cũng muốn tính phần hơn, bốn suất đất giờ đã được phần lớn nhất rồi, nói khách quan cũng gần được nửa di sản rồi", chủ tọa phân tích.
Trong phần hỏi lẫn nhau kéo dài gần 4 giờ, đôi bên lật lại các sự kiện từ năm 1990 đối chất về việc cha nói gì, mẹ nói gì, việc cha mất, mẹ ốm ai chăm sóc nhiều hơn, công sức với gia đình nói chung và 4 thửa đất nói riêng, ai nên được tính phần hơn.
"Ngày xưa bố mẹ không hiểu biết pháp luật, cũng chỉ nói miệng cho đất 2 con trai, còn cô Thu, bố đã cho 300 triệu mua đất chỗ khác. Ông cụ làm thế có ý đồ cả. Còn nếu không phải đất của nhà tôi được cho, vợ chồng tôi vất vả xây dựng, san lấp làm gì", vợ ông Xuân phân trần.
Trong khi đó, bà Thu nói về "bản cam kết về việc chia nhà đất" mà ông Xuân nộp cho tòa, nội dung người mẹ thuận tình chia mảnh đất số 3 cho ông Xuân, nhưng chữ ký lại không phải của mẹ. Bà vì thế cho rằng văn bản ngụy tạo, gian dối nên phải hủy sổ đỏ chính quyền đã cấp cho ông này.
Đôi bên nhiều lần mất bình tĩnh, không kiềm chế được cảm xúc và ngôn ngữ, nhiều lần bị HĐXX nhắc nhở. Chủ tọa trấn tĩnh đôi bên, đồng thời phân tích, khuyến khích các đương sự "mỗi người lùi lại một bước, con nuôi hay con đẻ cũng là người nhà", giải quyết làm sao cho hài hòa, tương đối còn giữ lại tình cảm.
"Đất đai ngày xưa có ai tranh giành, giờ đất có giá, tự nhiên ai cũng kể công. Từ sáng đến giờ tòa thấy ai cũng kể công, tính toán chi ly từng mét, ai cũng muốn nhận phần hơn người. Nhưng các vị phải thẳng thắn nhìn nhận, đó không phải tài sản của các vị mà là của cha mẹ, mình là đời sau, được hưởng thì nên có thái độ phù hợp", chủ tọa nói. Song đôi bên đều đáp: "Tại họ quá quắt không chịu được".
Sau khi nghị án, đồng ý với quan điểm của VKS, tòa nhận thấy đôi bên kháng cáo song không đưa ra được bằng chứng nào mới. Tòa phúc thẩm bác kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn do đánh giá bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng bản chất sự việc và phán quyết đúng pháp luật.
Tài sản chia thế nào?
Theo định giá, thửa đất 3 và 4 tổng diện tích 289,5 m2 gồm cả đất ở và đất vườn. Giá đất ở là 42 triệu đồng/m2; giá đất vườn 1,26 triệu đồng/m2. Tổng trị giá 2 thửa đất 10,1 tỷ đồng.
Nếu chia bằng giá trị, HĐXX đánh giá đây là tài sản chung của cha mẹ các đương sự, mỗi cụ được 50%, tức hơn 5 tỷ đồng. Cụ ông mất năm1992 và cụ bà mất năm 2020, do đó hai mốc này được tính là thời điểm mở thừa kế của họ.
Cụ ông mất trước nên khi này di sản của cụ được chia trước, cho những người thuộc hàng thừa kế đầu tiên. Cụ thể di sản chia 7 phần, trong đó cụ bà, hai con Thu và Đông mỗi người hưởng một phần tương đương 724 triệu đồng. Hai con trai mỗi người 2 phần, tương đương 1,44 tỷ đồng.
Cụ bà mất sau, ngoài 5 tỷ đồng là 50% tài sản chung vợ chồng, còn được hưởng 724 triệu đồng di sản của chồng, do đó di sản của cụ bà khi này khoảng 5,8 tỷ đồng.
Tài sản này được chia đều làm 6 phần, trong đó cho hai bà Thu và Đông mỗi người một phần, tương đương 966 triệu đồng; cho hai con trai là Xuân và Hạ mỗi người 2 phần, là hơn 1,9 tỷ đồng.
Sau khi chia, hai con gái mỗi người được tổng 1,69 tỷ đồng; hai con trai mỗi người 3,38 tỷ đồng. Do ông Hạ đã mất nên số tài sản này sẽ được chia cho vợ ông là bà Sen và 2 con.
Căn cứ hiện trạng và nhu cầu sử dụng đất, HĐXX thấy, sau khi bà Sen cắt trả bà Thu 75 m2 đất trong thửa số 4, bà Thu đã bán lại cho người khác làm nhà và công trình.
Nay cả 3 bên đều có nguyện vọng tiếp tục thực hiện hợp đồng, vì thế HĐXX ra phán quyết về chia hiện vật: Bà Thu và bà Sen mỗi người 75,5 m2 đất thửa số 4 gồm 15,5 m2 đất vườn và 60 m2 đất ở, trị giá: 2,5 tỷ đồng.
So với phần bà Thu được hưởng, dư hơn 840 triệu đồng, còn bà Sen còn thiếu hơn 840 triệu đồng do đó, bà Thu phải trả cho bà Sen số tiền này.
Thửa đất số 3, ông Xuân hiện đứng tên và sử dụng. Tòa chia cho ông toàn bộ hiện vật là thửa đất này, song phải thanh toán cho bà Đông 1,68 tỷ đồng ông được nhận dư.
Với quyết định này, không cần phải hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Xuân đối với thửa đất này mà ông chỉ cần đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xin đính chính lại sổ đỏ, theo quyết định của bản án.
Thanh Lam