Cách đối phó của ngân hàng khiến kẻ cướp 'lấy được tiền cũng không thể tiêu'

11/01/2025
|
0 lượt xem
Pháp Luật
Cách đối phó của ngân hàng khiến kẻ cướp 'lấy được tiền cũng không thể tiêu'

Theo thống kê của FBI, các vụ trộm ngân hàng đã giảm gần 60% trong 20 năm qua và "số chiến lợi phẩm" ngày càng ít đi.

Số tiền trung bình trong mỗi vụ cướp đã giảm gần một nửa trong 10 năm qua, chỉ còn 4.800 USD mỗi vụ, theo số liệu mới nhất năm 2022. Các chuyên gia tội phạm cho rằng những tên trộm thông minh đang nhận ra rằng tiền tang vật đang giảm đi trong khi rủi ro tăng lên. Một phần lý do đến từ các biện pháp phòng chống phong phú và hiệu quả đang được nhiều nhà băng áp dụng.

Bom thuốc nhuộm

Bom nhuộm màu được phát minh như một cách để vô hiệu hóa vụ cướp ngân hàng bằng cách nhuộm vĩnh viễn số tiền bị đánh cắp, thường là đỏ tươi, đen hoặc xanh lá, xanh lục... . Điều này nhằm cảnh báo số tiền này là tang vật cướp ngân hàng.

Gói thuốc nhuộm được sử dụng tại hơn 75% các ngân hàng tại Mỹ được gọi là "SecurityPac", do ICI Security Systems sản xuất.

Một gói gồm một chồng tiền thật, thường có mệnh giá 10 hoặc 20 USD với thiết bị nhuộm được gắn ở giữa.

Gói thuốc nhuộm phát nổ sau vụ cướp Bank of America năm 2008. Ảnh: Colin Brown

Trước đây, bom thuốc nhuộm làm bằng nhựa cứng và khá dễ bị phát hiện bởi tội phạm lành nghề. Tuy nhiên, ngày nay, công nghệ mới đã cho phép thuốc nhuộm được chứa trong một gói mỏng, linh hoạt, khiến cho một gói thuốc nhuộm hầu như không thể phân biệt được với một chồng tiền thông thường.

Nhân viên ngân hàng luôn có một số gói thuốc nhuộm này gần quầy của họ. Một gói thuốc nhuộm được đặt ở chế độ "an toàn" bằng cách gắn vào một tấm nam châm đặc biệt. Khi xảy ra cướp, nhân viên ngân hàng sẽ nhét một trong những gói thuốc nhuộm vào túi tiền mà tên trộm không để ý.

Trong khi tên trộm vẫn ở trong ngân hàng, gói thuốc nhuộm vẫn nằm im. Bên trong gói thuốc nhuộm là một máy thu vô tuyến nhỏ được kích hoạt khi gói thuốc nhuộm được lấy ra khỏi tấm nam châm.

Một máy phát vô tuyến nhỏ được gắn bên trong hoặc gần khung cửa của tất cả lối vào ngân hàng. Khi gói thuốc nhuộm đi qua cửa và nhận được tín hiệu tần số vô tuyến cụ thể, nó sẽ được kích hoạt.

Gói thuốc nhuộm thường được đặt trên bộ hẹn giờ 10 giây hoặc lâu hơn để tên tội phạm có thể ở trong xe tẩu thoát hoặc chạy một khoảng cách xa khỏi ngân hàng trước khi gói thuốc phát nổ.

Khi gói thuốc nhuộm phát nổ, nó giải phóng một lượng khói lớn thuốc nhuộm đỏ (1-methylamino-anthraquinone, còn gọi là MAAQ) và, trong một số trường hợp, gồm cả hơi cay.

Khi các phản ứng hóa học này diễn ra, gói thuốc nhuộm sẽ cháy ở nhiệt độ khoảng 204 độ C, ngăn cản mọi nỗ lực lấy bom này ra khỏi túi. Thông thường, vụ nổ của gói thuốc nhuộm buộc tên trộm phải ném túi thuốc nhuộm, do đó ngân hàng sẽ lấy lại được tiền. Ngoài ra, thuốc nhuộm đỏ thường làm bẩn quần áo và/hoặc tay của tên trộm, giúp việc nhận dạng nghi phạm khá dễ dàng.

Thành phần MAAQ thường không gặp trong môi trường và có thể được coi là chỉ dấu về nguồn gốc từ thiết bị an ninh ngân hàng khi được tìm thấy. Thuốc nhuộm này rất khó loại bỏ khỏi tờ tiền, quần áo hoặc các vật dụng bằng nhựa như ghế ô tô, mũ bảo hiểm xe máy hoặc găng tay dùng một lần được sử dụng để cố gắng làm sạch tiền bị ố.

MAAQ đã được sử dụng trong quá khứ trong lựu đạn khói quân sự và vệt khói dù nhưng không phải là thuốc nhuộm hiện đang được sử dụng cho mục đích này. MAAQ dùng trong sản xuất thấu kính đèn hậu màu đỏ nhưng sẽ không thể chuyển từ thấu kính sau khi nhựa được hình thành.

Cho đến năm 2022, theo nhà chức trách, kiểu "bom" này đã giúp thu hồi gần 20 triệu USD và bắt giữ khoảng 2.500 tên tội phạm cướp ngân hàng khắp nước Mỹ.

Tiền mồi

Hôm 21/11 vừa qua, ông Forrest Lytell, cư dân 83 tuổi của bang Ohio bị cảnh sát bắt, chỉ vài giờ sau khi vào ngân hàng và đưa cho thu ngân mảnh giấy yêu cầu "đưa tiền đây nếu không muốn trả giá đắt".

Tiền gắn thiết bị GPS có thể được trộn lẫn trong các cục tiền lấy cắp, giúp cảnh sát xác định tức thời vị trí của kẻ cướp. Ảnh: X

Nhân viên ngân hàng đã làm theo, ông Forrest đã lấy được tiền và ung dung rời khỏi cửa trước. Khi bị bắt và được hỏi có muốn nói gì không, ông lão chỉ thốt lên: "Các anh làm cách nào mà tìm ra tôi nhanh thế?".

Điều ông Forrest không biết là trong những tờ tiền ông được thu ngân đưa cho, có một số tờ tiền mồi, được gắn GPS.

Tiền mồi là những tờ tiền có số serie đã được đăng ký và lưu danh sách, được các ngân hàng sử dụng để hỗ trợ việc truy tìm bọn cướp ngân hàng. Trong một vụ cướp ngân hàng, nếu tên cướp đã lấy tiền mồi, thông tin chi tiết về các tờ tiền với serie này có thể được chuyển cho cảnh sát. Nếu số tiền được tìm thấy trong tay của ai đó hoặc được sử dụng để mua hàng hóa, nó có thể giúp truy ra nghi phạm.

Phương pháp này đã được dùng hơn 100 năm nay, song ngày nay, tiền mồi được nâng cấp bằng cách kết nối với một máy phát GPS mỏng cho phép chính quyền theo dõi tiền mặt theo thời gian thực. Việc này đẩy nhanh việc tìm ra thủ phạm, ngay cả khi nó vẫn đang trong túi tên cướp, như vụ cướp của ông Forrest.

Tiền mồi gắn theo dõi GPS đánh dấu một bước tiến đáng kể trong bảo mật ngân hàng, vì kín đáo và an toàn hơn trong việc theo dõi tiền bị đánh cắp, thay thế các phương pháp tiền mồi truyền thống và bom thuốc nhuộm.

Chỉ cần nhúng một thiết bị GPS nhỏ, có kích thước bằng thẻ tín dụng vào một chồng tiền mặt. Khi số tiền này bị lấy đi trong một vụ cướp, thiết bị sẽ được kích hoạt, thường là ngay khi nó được di chuyển khỏi vị trí được chỉ định trong ngăn kéo đựng tiền.

Việc kích hoạt này sẽ kích hoạt tín hiệu đến nhóm an ninh của ngân hàng và cơ quan thực thi pháp luật địa phương, cho phép họ theo dõi số tiền bị đánh cắp theo thời gian thực thông qua giao diện trực tuyến. Vị trí được cập nhật liên tục, cung cấp bản đồ chi tiết cho thấy chuyển động của số tiền một cách chính xác. Cảnh sát có thể dễ dàng xác định vị trí và bắt giữ nghi phạm.

Camera giám sát

Khi bom thuốc nhuộm và tiền định vị đã quá nổi tiếng với những tên cướp thông minh, camera giám sát, dù có vẻ hiền lành vô hại nhưng hóa ra lại luôn hữu ích.

Tháng 5/2023, Milton Randol, 35 tuổi xông vào chi nhánh ngân hàng Great Southern ở Missouri, đưa nhân viên thu ngân một tờ giấy nhỏ. "Đừng có bấm chuông báo động, im lặng nếu không tôi sẽ bắn", hắn nói.

Sau khi nhận bọc tiền, Milton lục tung để tìm các gói thuốc nhuộm và máy theo dõi GPS nhưng không thấy gì, ung dung rời đi hơn 1.200 USD dù không phải giơ một khẩu súng nào.

Nhưng camera an ninh đã ghi lại được hình ảnh của Randol và đăng tải trên các phương tiện truyền thông khu vực. Nhiều thành viên quen biết, bạn bè và đồng nghiệp đã xác định anh ta là kẻ cướp ngân hàng.

Ngày 12/4/1957, hình ảnh đầu tiên về vụ cướp ngân hàng được camera giám sát ghi lại là sự việc xảy ra tại Cleveland, Mỹ. Dù việc điều chỉnh ống kính máy ảnh vẫn chưa được tốt, độ phơi sáng và phim không có chất lượng tốt nhất nhưng video hơn 70 giây đã giúp các thám tử giải mã nhanh các manh mối trực quan giúp xác định nghi phạm.

CCTV giám sát ngân hàng đầu tiên được chế tác từ máy ảnh gắn trên súng, thu lại vụ cướp ngân hàng năm 1957. Ảnh: Cleveland Police Museum

Đến nay, CCTV trở thành phần bắt buộc trong hệ thống an ninh của các ngân hàng, được lắp đặt từ bãi đậu xe đến cửa vào, quầy thu ngân, sảnh, két bảo mật, cây ATM lối ra vào, đảm bảo không góc chết, điểm mù.

Ngoài ghi lại hình ảnh, các camera thông minh ngày nay tích hợp chế độ nhận diện khuôn mặt, đọc biểu cảm, phân tích và phát hiện trước những hành vi của những người ra vào đáng ngờ.

Trong trường hợp xảy ra cướp, camera AI có thể rà lại tất cả khách trong nhiều tháng trước bằng cách nhận dạng khuôn mặt, biển số xe và các thông tin nhận dạng khác.

Camera AI so sánh cảnh quay cướp với các bản ghi video trước đó, phân tích và lọc ra các hành vi đáng ngờ và gợi ý những nghi phạm có chiều cao, đặc điểm cơ thể và cách cư xử tương tự thủ phạm vụ cướp.

Tuy nhiên, camera dường như không làm giảm tình trạng cướp. Nhiều tên cướp ngân hàng không nản lòng vì chúng đơn giản không tin rằng sẽ bị bắt. Những kẻ khác tin rằng camera có thể bị vô hiệu bằng cách ngụy trang hoặc sơn phun.

Uớc tính có khoảng 85 triệu camera an ninh trên khắp nước Mỹ, tính đến năm 2021.

Cửa "bẫy người"

Mantrap hay access control vestibule là hệ thống kiểm soát ra vào bao gồm một không gian nhỏ và hai cánh cửa liên kết. Một bộ cửa phải đóng trước khi bộ kia có thể mở, nhốt kẻ gian trong không gian giữa các cánh cửa, cho phép xác minh danh tính trước khi người đó có thể đi qua

Cửa an ninh dạng "bẫy người" phổ biến trong nhiều tòa nhà hiện đại an ninh cao. Ảnh: Smart System

Mantrap chỉ cho phép một người vào một lúc, nếu không, sẽ phát hiện và từ chối quyền ra vào và gửi cảnh báo. Sau đó, bảo vệ có thể thẩm vấn người bị mắc kẹt và quyết định phải làm gì tiếp theo, thả ra hoặc gọi cho cảnh sát. Trong nhiều vụ cướp ngân hàng, thủ phạm đã không tiếc đạn để nã vào cửa của chiếc "bẫy người" này trong vô vọng.

Do chất liệu bằng thép, kính nhiều lớp chống đạn kết hợp máy dò kim loại... cửa của nó rất khó để phá vỡ một cánh, chưa nói đến 2 cánh.

Khoang cửa bẫy này thường đặt ở tiền sảnh, được vận hành thủ công hoặc có hệ thống tự động. Đối với mantrap tự động cần phải có một số hình thức nhận dạng, như thẻ chìa khóa hoặc mã bảo mật, để mở khóa mỗi cửa.

Chúng được sử dụng như giải pháp an toàn vật lý cho những nơi cần mức độ an ninh cao, như ngân hàng, phòng nghiên cứu, bưu điện, sân bay, cơ sở chăm sóc sức khỏe, đại sứ quán và trung tâm dữ liệu. Chúng được sử dụng để ngăn chặn những người không được phép xâm nhập hoặc kiểm soát môi trường vô trùng bằng cách ngăn ngừa ô nhiễm.

Giá của một mantrap phụ thuộc vào mức độ tinh vi và an ninh của nó, thấp nhất 30.000 USD, chưa gồm phí lắp đặt vì hệ thống cửa này rất phức tạp.

Hải Thư (Theo ABC, CBS, ASU, Fox, Security Management, FBI)
Tin liên quan
Tin Nổi bật