'Cần công khai tình trạng phòng cháy chữa cháy của các hộ kinh doanh'

19/12/2024
|
0 lượt xem
Chính Trị Thời Sự
'Cần công khai tình trạng phòng cháy chữa cháy của các hộ kinh doanh'

"Nhiều cơ sở không có, không đáp ứng tiêu chuẩn PCCC nhưng vẫn hoạt động và chỉ bị phát hiện khi có sự cố. Đề nghị bổ sung quy định kiểm tra định kỳ, công khai về kết quả", đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân, nói tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 1/11 về dự Luật PCCC và cứu nạn cứu hộ.

Ông đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh công khai kết quả kiểm tra PCCC hàng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở. Việc kiểm tra định kỳ hệ thống PCCC phải thực hiện 6 tháng một lần.

Chuẩn Đô đốc Đỗ Văn Yên cũng đề nghị bổ sung yêu cầu bắt buộc về bố trí thiết bị, phương tiện chữa cháy, đặc biệt là ở khu dân cư và khu công nghiệp. Cùng với đó, các khu dân cư, khu vực nguy cơ cao cần bố trí hạ tầng đồng bộ về PCCC, phương án thoát hiểm và hệ thống chữa cháy tự động ngay ở giai đoạn quy hoạch.

Đại biểu Đỗ Văn Yên, Chuẩn Đô đốc, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân. Ảnh: MediaQuochoi

Theo Điều 20 của dự thảo, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thì không bố trí phòng ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh; có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc. Khu vực sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy với lối thoát nạn.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Phó đoàn Đăk Nông) đánh giá yêu cầu phòng ngủ không được đặt tại khu vực sản xuất, kinh doanh là chưa phù hợp với thực tế. "Việc bố trí phòng ngủ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của hộ kinh doanh, hầu hết không thể bố trí được nơi khác hoặc không phân cách rõ ràng. Chỉ nên đưa ra khuyến nghị hoặc có lộ trình phù hợp để điều chỉnh từng bước", ông nói.

Theo ông Mai, Bộ Công an cần đánh giá thêm số lượng nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trong cả nước không đáp ứng được quy định này để có hướng xử lý phù hợp. Ông đề nghị chính quyền địa phương sớm công bố danh sách cơ sở không đảm bảo yêu cầu PCCC trước khi luật này có hiệu lực và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn mới. Từ đó, Chính phủ, bộ ngành nghiên cứu hướng xử lý, ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương chủ động thực hiện.

Lực lượng chức năng tại hiện trường vụ cháy nhà trọ 5 tầng tại phố Trung Kính, Hà Nội. Ảnh: Phạm Chiểu

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Phó đoàn Bắc Kạn) cho biết Điều 16 dự thảo quy định công an thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Như vậy, cơ quan công an không tham gia cho ý kiến đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tức là giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Đại biểu Huân đánh giá quy định như vậy sẽ dẫn đến trường hợp phải điều chỉnh dự án hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi cơ quan công an có ý kiến thẩm định chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của PCCC. "Điều này làm phát sinh thủ tục điều chỉnh, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án", ông Huân phân tích.

Ông đề nghị bổ sung nội dung thẩm định của cơ quan công an đối với bước chuẩn bị dự án, tức lập báo cáo nghiên cứu khả thi khi công trình buộc phải thẩm định về phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên) cho rằng chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư xây dựng từ lâu, đã hư hỏng hoặc hệ thống kỹ thuật không còn đảm bảo chống cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Bà đề nghị dự luật có quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đủ rộng cho xe chữa cháy, phương tiện cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng tiếp cận. Cơ quan soạn thảo cũng cần bổ sung việc đào tạo kỹ năng thoát nạn cơ bản trong các vụ cháy, giúp người dân bảo vệ bản thân và người xung quanh; làm tốt công tác phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ.

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự Luật này vào ngày 27/11.

Sơn Hà

Tin liên quan
Tin Nổi bật