Chiều 9/9, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cầu Phong Châu và tuyến quốc lộ 32C được lập kế hoạch bảo trì, giao vốn thực hiện bảo trì hàng năm. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ (chủ đầu tư) tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện bảo trì theo kế hoạch.
Năm 2010, các đơn vị đã sửa chữa lan can cầu, mặt cầu, khe co giãn. Năm 2013, cầu được thay dầm nhịp bê tông cốt thép, thay khe co giãn bằng loại khe răng lược, thảm lại mặt cầu. Năm 2018 cầu được xử lý trụ, chống va xô. Năm 2019, các trụ T6, T7 được xử lý xói lở. Năm 2023 cầu được sửa chữa, sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn.
Trước cơn bão Yagi, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu tổ chức trực phòng chống kiểm tra đánh giá tình trạng cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, cầu yếu phải theo dõi, kiểm tra thường xuyên và xử lý kịp thời.
Hiện trường vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ chiều 9/9. Ảnh: Nguyễn Chương
Cầu Phong Châu được xây dựng, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995. Cầu dài 375m, được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu. Phần đường xe chạy 7 m, lề người đi mỗi bên 1 m; bề rộng mặt cầu 9,5 m. Cầu gồm 8 nhịp và các trụ cầu bằng bê tông cốt thép.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, kết quả kiểm định cầu năm 2019 đánh giá cho thấy cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng xe qua cầu. Mỗi lần sửa chữa đều kiểm định lại độ an toàn.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ nhận định, do ảnh hưởng của bão số 3 (siêu bão Yagi) gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7).
Chính quyền địa phương, Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ và các lực lượng Công an, Quân đội và các đơn vị liên quan đang khẩn trương, tích cực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm giao thông; bố trí cảnh báo cho người và phương tiện tham gia giao thông...
Theo Cục, có 9 phương tiện (ôtô và xe máy) đang lưu thông trên cầu thời điểm xảy ra sự cố. Tuy nhiên, báo cáo của tỉnh Phú Thọ cho biết có 10 ôtô và 2 xe máy rơi xuống sông lúc cầu sập.
Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tuấn nhận định "không loại trừ tình huống có vật trôi theo dòng nước, va đập với mố cầu gây sự cố".
Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ thì cho rằng do bão Yagi gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập hai nhịp dàn chính 6, 7 của cầu.