Trình Quốc hội dự án Luật Việc làm sửa đổi sáng 9/11, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định hiện hành chưa bao phủ hết người có quan hệ lao động. Những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng không thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Điều này gây bất công và không phù hợp với thực tế khi nhóm này đối mặt với rủi ro mất việc làm.
Do đó, Chính phủ đề xuất bổ sung hai diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng xác định thời hạn từ một tháng trở lên và người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Media Quốc hội
Theo Bộ trưởng Dung, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp hiện nay còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến giải pháp phòng ngừa thất nghiệp. Một số quy định về mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng và mức hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp tính trên mức lương cơ sở đối với người lao động không còn phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 27.
"Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thành công cụ quản trị thị trường lao động, rất cần mở rộng diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp", ông Dung nói, cho biết nội dung này phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương với mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói việc mở rộng diện đóng và mục tiêu như trên là "rất thách thức". Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục dự báo số lượng mở rộng, bổ sung đánh giá tác động, bảo đảm khả thi và tương thích với diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do việc thu, quản lý đều do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện.
Tại dự luật, Chính phủ muốn linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ kịp thời cho người lao động khi thiên tai dịch bệnh. Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động sẽ chỉ đóng tối đa 1% tiền lương/quỹ tiền lương tháng, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm 1% từ ngân sách trung ương.
Chính phủ đề xuất xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển thị trường lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động; cho vay giải quyết việc làm; mở rộng diện cho vay để đi làm việc ở nước ngoài.