Sáng 29/10, nước lũ trên sông Kiến Giang ở huyện Lệ Thủy xuống chậm, mực nước lũ lúc 7h là 4,01 m so với đỉnh lũ 4,16 m, nhiều nhà dân vẫn ngập sâu.
Để đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân khi lũ kéo dài, huyện Lệ Thủy lên kế hoạch tiếp nhận hàng cứu trợ ở ngã ba xã Cam Thủy và xã Mai Thủy trên Quốc lộ 1A. Hàng cứu trợ sẽ được địa phương vận chuyển bằng ghe (xuồng nan tre) của ngư dân vào cho người dân vùng rốn lũ. Chính quyền địa phương huy động các ghe lớn của ngư dân xã Ngư Thủy Bắc tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm.
Bộ đội biên phòng dùng ca nô đi cứu hộ. Ảnh: Võ Thạnh
Ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch huyện Lệ Thủy, cho biết địa phương đã điều 10 ghe của ngư dân xã Ngư Thủy Bắc. Trước mắt, 3 ghe sẽ tham gia việc cứu hộ, chở hàng nhu yếu phẩm để tiếp tế cho người dân vùng rốn lũ. Những ghe tham gia chở hàng đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ trong trận lũ lịch sử năm 2020.
"Nước lũ vẫn đang cao, sóng lớn, chỉ có ghe lớn của ngư dân vào vùng rốn lũ mới đảm bảo an toàn. Mặt trận huyện sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ của các đoàn tại ngã ba Cam Liên và xã Mai Thủy, vận chuyển vào cho người dân" ông Sơn nói và cho biết, thời tiết diễn biến bất thường, nước lũ dâng cao, đây cũng là lý do huyện đề nghị các đoàn cứu hộ không vào vùng rốn lũ.
Tuyến đường vào trung tâm huyện Lệ Thủy ngập sâu gần 2m. Ảnh: Võ Thạnh
Hiện nay, hơn 19.000 hộ dân ở huyện Lệ Thủy vẫn đang ngập sâu, nhiều căn nhà nước lũ chạm nóc. Các hộ dân đang sống trong tình trạng mất điện, thiếu nguồn nước sạch. Địa phương ghi nhận một người chết và một người mất tích.
Toàn tỉnh có hơn 28.340 hộ dân bị ngập, tập trung tại huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP Đồng Hới. 58 thôn, bản bị nước lũ chia cắt. Các tuyến đường qua tỉnh bị ngập ở 84 điểm, trong đó quốc lộ 1 có 5 điểm ngập, sâu nhất 60 cm. Đường Hồ Chí Minh qua xã Trường Thủy, Lệ Thủy ngập dài 800 m, sâu nhất 80 cm.
Đây là trận lũ lớn thứ hai trong 4 năm qua ở Quảng Bình, sau trận lũ tháng 10/2020.
Võ Thạnh - Đức Hùng