Nghề cắt mí, sửa môi cho cá

22/01/2025
|
0 lượt xem
Đời Sống Nhịp Sống
Nghề cắt mí, sửa môi cho cá

"Chủ nuôi sử dụng đèn trong bể sai kỹ thuật, cá phải dịch chuyển để né ánh sáng, lâu ngày dẫn đến hiện tượng mắt bị lệch", anh Hoàng, 40 tuổi, người được giới chơi cá cảnh ở TP Nha Trang gọi là "bác sĩ thẩm mỹ của cá", nói.

Đây là lần đầu tiên cá được gây mê nên mất khá nhiều thời gian mới đủ điều kiện để tiến hành ca mổ. Bộ dụng cụ mổ khá đơn giản, gồm mấy chiếc kẹp, kìm bấm và dao, kéo loại nhỏ. Sau khoảng 10 phút tác động vào phần cơ trong hốc mắt, chú cá rồng được đưa vào phòng "hậu phẫu", kết thúc ca mổ.

"Để cá tỉnh lại sau gây mê cần một bể ít nước nhằm giảm áp lực, pha muối trắng vào sục oxy liên tục", anh Hoàng giải thích. "Hốc mắt hai bên cá đã được cải thiện nhưng vẫn 'hiếng' nhẹ, sau 24 tiếng sẽ cân bằng và bình thường trở lại".

Anh Hà Nguyên Hoàng đánh giá tình trạng bệnh của cá rồng trước khi chữa trị. Ảnh: Bùi Toàn

Sau ca mổ, người đàn ông tiếp tục ngồi lại tư vấn cho chủ nhà các kiến thức về nuôi cá rồng, chỉ ra một số điểm thiếu sót kỹ thuật để khắc phục và cách để cá tránh bị dị tật thêm về sau.

Cá rồng có tên khoa học là Scleropages formosus, có thể đạt chiều dài gần một mét, nặng hơn 7 kg khi trưởng thành. Loài cá được ưa chuộng bởi hình dáng đẹp, bộ vảy lớn, óng ánh màu sắc như vảy vàng, môi dưới có hai râu dài hệt như râu rồng...

Cá có nhiều loại với các tên gọi như Kim Long Quá Bối, Huyết Long, Hồng Long, Cao Lưng Hồng Vỹ, Ngân Long.

Anh Hoàng cho biết, cá rồng là một trong những loài được nhiều người ưa chuộng trong thú chơi cá kiểng. Mỗi con cá rồng có giá trị hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Một số người coi cá như một vật phong thủy, đem lại sự may mắn nên việc chữa trị cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận để tạo được uy tín trong nghề.

Cá rồng sinh các dị tật về mắt, môi do ảnh hưởng từ quá trình nuôi, chủ nuôi không đúng kỹ thuật, làm cá bị stress.

Những dụng cụ phẫu thuật cho cá rồng. Ảnh: Bùi Toàn

Trước đây, anh Hoàng xuất thân từ nghề DJ, kinh doanh nhà hàng, sau này anh chuyển ngang sang nuôi cá chỉ vì quá đam mê. Ban đầu, anh tìm hiểu về cách tỉa vây, sửa đuôi và một vài bước chăm sóc cá cơ bản. Sau đó, anh học hỏi thêm từ những người chơi cá lâu năm, rồi tự mày mò học kỹ thuật làm mắt, làm môi.

Giai đoạn đầu, anh xin những cá chết về mổ, tìm hiểu về cấu tạo của cá, vừa làm và tra cứu thêm kiến thức trên hội nhóm ở mạng xã hội. Khi có đủ kinh nghiệm, anh bắt đầu xin làm miễn phí cho cá của những người bạn thân và tiến bộ từng ngày.

"Hai năm làm nghề này, tôi gặp nhiều ca khó, nhưng may mắn chưa gặp một tai nạn nào nghiêm trọng", anh nói. Dù vậy, Hoàng vẫn coi đây là nghề tay trái vì phí chữa trị thấp, chừng 500.000-800.000 đồng mỗi ca.

Ngoài ra, còn một bệnh khá nguy hiểm là nấm râu – nỗi sợ lớn nhất của người nuôi cá rồng nhưng anh tự tin người duy nhất tại Nha Trang có thể chữa được bệnh này.

Cá rồng được gây mê trước khi được đưa lên "bàn mổ". Ảnh: Bùi Toàn

Anh Nguyễn Ngọc Thông, một người nuôi cá rồng có thâm niên ở Nha Trang cho biết anh biết đến anh Hoàng qua sự giới thiệu của những người trong cộng đồng.

"Cá rồng là loài quý, giá trị cao, nên việc có một bác sĩ chuyên nghiệp giúp đỡ là rất cần thiết. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tay nghề của anh Hoàng. Nhờ anh, tôi có thể tận hưởng thú chơi cá rồng một cách trọn vẹn", anh Thông chia sẻ.

Bùi Toàn

Tin liên quan
Tin Nổi bật