Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã đi đến chặng thay đổi cuối cùng, đó là việc thay sách giáo khoa các khối lớp 5, 9, 12. Thực hiện chương trình mới đã được bốn năm, nhiều vấn đề phát sinh đã được các đơn vị giáo dục điều chỉnh kịp thời, phù hợp nhất. Tại văn bản hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học 2024 -2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu các cơ sở giáo dục "không dùng ngữ liệu sách giáo khoa để kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn".
Điều này là dễ hiểu bởi từ những năm thực hiện thay sách giáo khoa lớp 6, 7, 8 đối với khối THCS, và lớp 10,11 đối với khối THPT, các cơ sở giáo dục đã quán triệt vấn đề này. Không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa sẽ giúp việc lựa chọn các bộ sách khác nhau trở nên công bằng hơn, tránh việc học vẹt, học tủ, tránh dạy và học theo văn mẫu...Với cách ra kiểm tra như vậy, học sinh bắt buộc phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và tư duy nhất định mới có thể làm được bài.
Đề thi ngữ văn có nhiều thách thức
Dù đã có bốn năm thực hiện đánh giá, kiểm tra theo chương trình mới, nhưng tôi thấy đề thi Ngữ văn có khá nhiều bất cập như: đề thi quá dài, ngữ liệu chưa chính xác so với văn bản gốc, đề thi có nguồn trích dẫn chưa rõ ràng... Trước kia, người ra đề thường dựa vào các ngữ liệu sách giáo khoa, nguồn ngữ liệu đã được thẩm định kỹ lưỡng, nên khá yên tâm về chất lượng. Một đề thi thường được đánh giá qua nhiều tiêu chí như: ngắn gọn súc tích, thông điệp rõ ràng, giàu cảm xúc, ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với trình độ, tâm lý của học sinh.
Ví dụ như đề thi về "lối sống phông bạt" của trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM), nếu chiếu theo hướng dẫn của Bộ về nội dung ra đề thì chưa hẳn đã sai, đề tài cũng đang "bắt đúng trend" so với thực tế. Tuy vậy, người ra đề chưa lường trước được có thể có học sinh không hiểu "phông bạt" là gì, hoặc có học sinh không theo dõi mạng xã hội sẽ không hiểu hết được bản chất của sự việc, hiện tượng.
Đề Văn bàn về 'lối sống phông bạt' gây tranh cãi của trường THPT Mạc Đĩnh Chi.
Môn Ngữ văn là môn học kết hợp giữa khoa học về ngôn ngữ và tình cảm, cảm xúc của con người, một từ ngữ, hình ảnh có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Người ra đề thi rất khó lường trước được những biến thể của vấn đề. Với trí tưởng tượng phong phú của học sinh, bài làm có thể có sự sáng tạo, rẽ sang một hướng khác. Khi đó, thầy cô chấm bài sẽ phải cân nhắc kỹ càng để không làm học sinh thiệt thòi.
>> Bội thực đề thi Văn 'bắt trend'
Giáo viên phải có trình độ và bản lĩnh
Thứ nhất là trình độ, bản lĩnh khi xây dựng ma trận đề kiểm tra. Ma trận đề là cơ sở, căn cứ cho việc thực hiện đề kiểm tra, đánh giá. Khi ra đề kiểm tra, giáo viên cần phải căn cứ vào nội dung, đơn vị kiến thức đã giảng dạy, trình độ, năng lực của học sinh để xây dựng ma trận đề, ma trận đối chiếu. Từ đó xác định cách ra đề kiểm tra cho phù hợp với đối tượng, mục đích của bài kiểm tra. Giáo viên không đủ trình độ bản lĩnh khó có thể xây dựng một ma trận đề phù hợp, hoàn chỉnh, có tính phân hóa trình độ của học sinh. Dẫn đến đề không đáp ứng được mục đích của bài kiểm tra, của kỳ thi (nói theo cách thông thường là đề không hay).
Thứ hai là trình độ, bản lĩnh khi tìm ngữ liệu. Đối với chương trình cũ, giáo viên dễ dàng sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề. Nó như một cẩm nang mỗi khi giáo viên gặp khó khăn trong việc tìm ngữ liệu, điều này bảo đảm sự an toàn cho giáo viên. Nhưng với chương trình 2018, giáo viên không được sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, mà phải tìm ở các nguồn tin cậy khác. Muốn cho đề đủ, đúng, hay, giáo viên phải tìm hiểu, đọc nhiều. Khi đã tìm được nguồn ngữ liệu phong phú, giáo viên cần chắt lọc ra ngữ liệu tốt nhất cho đề thi.
Điều này nói thì dễ, nhưng làm được rất khó, có ngữ liệu tốt rồi, chưa chắc giáo viên đã đủ bản lĩnh để ra đề kiểm tra, bởi cái gì hay, mới đều dễ gây tranh cãi. Tìm ngữ liệu là vấn đề then chốt, nó quyết định đề kiểm tra có đủ hay, đủ tốt hay không? Nó cũng giúp học sinh có cảm hứng khi làm bài. Ví dụ, vừa rồi, đề thi Ngữ văn giữa kỳ I của trường THCS Võ Trường Toản (TP HCM) cũng gây nhiều thắc mắc khi người ra đề lấy nguồn trên Internet, nhưng trích dẫn chưa cụ thể đường link.
Thứ ba là trình độ, bản lĩnh khi xây dựng đáp án và chấm bài. Đáp án của mỗi đề thi luôn là vấn đề quan trọng nhất, bởi nó là thước đo chuẩn mực nhất để chấm bài. Đề thi hay, mới, mở thì đáp án phải truyền tải được điều này. Đáp án không tốt dễ gây tranh cãi, thiếu sự công bằng, có thể triệt tiêu sự sáng tạo của học sinh. Nếu đáp án mở quá lại dễ thành ra học sinh viết thế nào cũng được, thiếu tính nhất quán và khó phân hóa được trình độ người học.
Còn đối với người chấm bài, môn Văn là môn thiên về cảm xúc, quan điểm thẩm mỹ của mỗi người, nên dù có ba-rem chấm rõ ràng, chắc chắn vẫn có sự chênh lệch điểm giữa các giám khảo. Việc chênh lệch 1 đến 2 điểm giữa các giám khảo là điều thường gặp khi chấm tập trung. Có những bài làm sáng tạo, có tính mới mẻ, liệu giáo viên có dám cho điểm cao không, hay họ chọn cho điểm ở mức an toàn? Điều này cần trình độ và bản lĩnh của giáo viên chấm bài.
Thứ tư là trình độ, bản lĩnh phản biện khi ra đề, chấm thi. Nếu ra một ngữ liệu mới, có tính đột phá sẽ rất dễ bị ý kiến, nên người ra đề thi phải có đủ kiến thức, bản lĩnh để bảo vệ quan điểm của mình. Mặt khác, khi gặp đề thi, bài chấm có vấn đề phát sinh, người giáo viên có đủ bản lĩnh, trình độ để phản biện, nêu ra ý kiến của mình. Nhiều giáo viên luôn chọn cách im lặng, an toàn dù biết rằng đề thi, bài thi có vấn đề, hoặc không dám lên tiếng bảo vệ một cách làm, cách hiểu khác của học sinh. Nếu giáo viên mạnh dạn phản biện, dù đúng hay sai cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của môn học, giúp cho chương trình Ngữ văn mới ngày càng hoàn thiện hơn.
Đổi mới, sáng tạo là một con đường nhiều thách thức, đặc biệt với ngành Giáo dục - một lĩnh vực gắn liền với đời sống xã hội. Để thực hiện tốt, luôn cần trình độ, bản lĩnh của các cấp quản lý, của người dạy, người học, đặc biệt là sự cảm thông của xã hội. Chúng ta đang trên con đường thay đổi bản chất của việc dạy và học, tiếp cận gần hơn với nền giáo dục hiện đại, giúp người Việt có đủ trình độ để xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.
'Viết văn ngô nghê vì xem thường văn mẫu' Con tôi 'đánh vật'môn Văn tới một giờ sáng Việc cần làm để xóa bỏ tư duy văn mẫu Tư duy văn mẫu biến học sinh thành robot cảm thụ Tôi học được gì từ văn mẫu? 'Viết văn ngô nghê vì xem thường văn mẫu' Con tôi 'đánh vật'môn Văn tới một giờ sáng Việc cần làm để xóa bỏ tư duy văn mẫu Tư duy văn mẫu biến học sinh thành robot cảm thụ Tôi học được gì từ văn mẫu?